Lịch sử C&MA

A. B. Simpson, nhà sáng lập Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp

Tiến sĩ Albert B. Simpson là một mục sư thuộc giáo hội Trưởng Lão, chịu cảm động khi nhận biết nhu cầu tâm linh của nhiều cư dân trong các đô thị tại Bắc Mỹ, cũng như nhiều người khác ở khắp nơi trên thế giới. Bị thôi thúc bởi ý tưởng phải chuyển tải thông điệp phúc âm đến các dân tộc vì mạng lịnh của Chúa Giê-xu trong Phúc âm Ma-thi-ơ 24. 14, "Phúc âm này về Vương quốc của Thiên Chúa sẽ được rao giảng khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến".

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Simpson có quan hệ mật thiết với Phong trào Ngũ Tuần (khởi nguồn từ Phong trào Thánh khiết); người ta thường thấy các mục sư và giáo sĩ Ngũ Tuần được đào tạo tại Học viện Đào tạo Giáo sĩ được thành lập bởi Simpson. Khi ấy, Simpson và C&MA tạo lập ảnh hưởng đáng kể trên phong trào Ngũ Tuần, nhất là trong các giáo phái Assemblies of God và International Church of the Foursquare Gospel. Ảnh hưởng này gồm có những trọng điểm của giáo lý Tin Lành, thần học C&MA, những bài thánh ca và các tác phẩm của Simpson, cùng thuật ngữ "Đền tạm Phúc âm", được đặt tên cho các nhà thờ Ngũ Tuần với một chút thay đổi "Đền tạm Phúc âm Toàn vẹn".

Dần dần xuất hiện bên trong giáo phái C&MA những bất đồng về các vấn đề giáo lý của phong trào Ngũ Tuần (như hiện tượng nói tiếng lạ và cung cách thờ phượng chú trọng đến sự phô diễn các ân tứ). Trong năm 1912, cuộc khủng hoảng này trở nên tác nhân hình thành cấu trúc giáo phái cho C&MA, giao thẩm quyền lớn hơn cho hội đồng giáo phái và biến tổ chức này trở nên một giáo hội. Để bảo đảm sự tồn tại cho C&MA trước những phân hoá nội bộ, Simpson thiết lập cơ chế quản trị tài sản của giáo phái, theo đó nếu có sự ly khai, giáo hội có thể tiếp tục duy trì tài sản của mình.[3]

Sau khi Simpson qua đời năm 1919, C&MA bắt đầu xa lánh phong trào Ngũ Tuần, bác bỏ những giáo lý trọng tâm của phong trào này như quan điểm cho rằng khả năng nói các thứ tiếng là điều kiện cần thiết thể hiện tình trạng đầy dẫy Chúa Thánh Linh, thay vì nhấn mạnh đến một đời sống Cơ Đốc sâu nhiệm hơn.[3] Năm 1930, hầu hết các chi hội của C&MA đều thực thi chức năng của một hội thánh địa phương mặc dù họ vẫn không chịu nhìn nhận sự kiện này.

Trong năm 1965, các hội thánh địa phương chấp nhận chức năng giáo phái và thông qua một tuyên cáo đức tin. Tổ chức truyền giáo này chẳng bao lâu trở nên một phong trào tin lành quan trọng. Ngày nay C&MA được xem là một giáo phái đang trên đà phát triển, tận tuỵ trong các nỗ lực truyền bá phúc âm trên thế giới qua công tác thành lập hội thánh địa phương (church planting).

Liên quan